Truyền thống quý báu của đất nước Việt Nam
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tôn vinh, biết ơn những
người đã hy sinh cho Tổ quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao
mới. Bác Hồ không chỉ quan tâm, lo lắng, chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, mà chính Người luôn dành tình thương đặc
biệt, nghĩa cử cao đẹp đối với thương binh và gia đình liệt sĩ.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc,
để có được những thắng lợi cách mạng vẻ vang, các thế hệ người Việt Nam chúng
ta đã hy sinh biết bao xương máu, mồ hôi, nước mắt… Nhiều chiến sĩ cách mạng,
hàng triệu đồng chí, đồng bào đã hy sinh thân mình hoặc suốt đời mang trên mình
thương tật, bệnh tật, di chứng của chiến tranh. Sự hy sinh ấy là vô giá, được Đảng,
Nhà nước và nhân dân Việt Nam đời đời ghi công và biết ơn.
Cách
đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hàng năm là ngày
thương binh - liệt sĩ để “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh
binh, gia đình liệt sĩ và những người có công. Người yêu cầu phải quan tâm, báo
đáp để các đối tượng chính sách “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có
dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội”, với phương châm “đồng bào sẵn sàng
giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm”.
Ngày
27-7 hàng năm, Bác không những gửi thư thăm hỏi mà còn phát động nhân dân quyên
góp tiền, vật chất… ủng hộ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Bác đã gửi
một bức thư cảm động nhân ngày thương binh toàn quốc đầu tiên: “Ngày 27-7 là
một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương
binh. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một
tháng lương của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng lại là một nghìn
một trăm hai mươi bảy đồng … ”. Mỗi lần đến nghĩa trang viếng, đứng
trước những nấm mồ liệt sĩ, trước bia tưởng niệm “Tổ quốc ghi công”, Bác đều
không cầm được nước mắt. Thay mặt cả dân tộc, Người bày tỏ lòng biết ơn vô hạn
với các liệt sĩ: “Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần
họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.
Nhân
dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1960), Bác kêu gọi toàn Đảng, toàn
dân “Ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn công lao trời biển của các liệt sĩ,
biến đau thương thành hành động cách mạng. Theo Bác, người chết vì Tổ quốc, hy
sinh vì đồng bào, không phải là không còn gì, mà đã biến thành sức mạnh hòa
trong sức mạnh cộng đồng lớn lao hơn, mãnh liệt hơn. Hơn ai hết, Bác Hồ thấy rõ
mỗi cuộc đời, khơi nguồn sức mạnh từ trong mất mát đau thương, hàn gắn tạo nên
cộng đồng mới. Người khuyên nhưng là lời khẳng định với thương binh: “Tàn nhưng
không phế”.
Thấm
nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân
tộc, năm nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh -
Liệt sĩ với những chủ trương, biện pháp và hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh
phong trào toàn dân chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ trên tất cả các mặt,
với chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Hơn nửa thế kỷ qua, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể đã làm được nhiều việc tốt đối với công tác thương binh - liệt sĩ và chăm sóc người có công. Đảng và Nhà nước ban hành các pháp lệnh quy định danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hung”, “Ưu đãi người có công với cách mạng” càng khẳng định trách nhiệm, tình cảm sâu sắc của toàn dân ta đối với những người có công với nước và tích cực góp phần ổn định chính trị - xã hội, củng cố niềm tin đối với Đảng và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với toàn dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Có
thể nói, 75 năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã xuất hiện nhiều mô hình,
nhiều hình thức chăm sóc gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Trong đó
tiêu biểu là phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt
sĩ đang phát triển sâu sộng ở các địa phương, trở thành công việc thường xuyên
của Nhà nước và toàn xã hội. Nhiều sáng kiến và hoạt động của các đoàn thể
chính trị - xã hội, của cán bộ và nhân dân, của các tổ chức kinh tế - xã hội từ
cấp Trung ương, thành phố đến tận cơ sở đã tạo nên sức sống mới của phong trào.
Trước
đây, phần lớn các gia đình chính sách ở nông thôn vốn đã nghèo, lại thiếu lao
động, nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Ấy vậy, hiện nay họ không những đã ra
khỏi diện đói nghèo, mà hầu hết đều đã có mức sống trung bình so với mức sống
chung của cộng đồng dân cư nơi cư trú, một số đã trở nên khá giả, giàu có. Đó
chính là sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, đồng thời còn bắt nguồn khởi xướng từ
phong trào “đền ơn đáp nghĩa” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động đã
huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia với một trách nhiệm và tình cảm
sâu sắc. Bằng những việc làm thiết thực, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã trở
thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Phong trào đã và đang phát triển
cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú như: áo lụa tặng bà;
áo ấm tặng mẹ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa;
xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng,
cha mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ; xây dựng nghĩa trang và đài liệt
sĩ… đã làm rực sáng đạo lý, nghĩa cử cao đẹp của toàn dân tộc.
Các
phong trào “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” trở thành những hoạt động
xã hội sôi nổi thường xuyên, mang đậm giá trị nhân văn. Những việc làm đó thể
hiện rõ nhất ý Đảng lòng dân, là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được
phát huy, phát triển, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp các gia đình liệt
sĩ, thương binh vượt qua đau thương, nỗ lực phi thường, không ngừng vươn lên
trong cuộc sống, công tác để tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Có thể
nhận thấy ở khắp nơi, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng
đã vượt lên thương tật, hoàn cảnh khó khăn để xây dựng và phát triển kinh tế
gia đình, hỗ trợ người xung quanh, trở thành những tấm gương vượt khó, những
bông hoa giữa đời thường; nhiều đối tượng và con em gia đình chính sách đã trở
thành nhà quản lý giỏi, nhà khoa học ở các lĩnh vực, được Nhà nước phong tặng
các danh hiệu cao quý, xứng đáng là “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu”.
Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta đã làm được rất nhiều việc trong chăm sóc các đối tượng
chính sách. Tuy nhiên, hậu quả của chiến tranh vẫn rất nặng nề. Hàng vạn con
người vẫn còn bị di chứng chất độc da cam; vẫn còn gia đình chưa tìm được hài
cốt thân nhân đã hy sinh trong chiến tranh; đời sống một bộ phận gia đình chính
sách chưa ổn định, chưa vững chắc; việc quan tâm giải quyết những bức xúc của
đối tượng chính sách ở một số địa phương cũng chưa kịp thời. Đây đó vẫn còn
những tổ chức, cá nhân vi phạm, làm sai chính sách thương binh liệt sĩ.
Tư
tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hòa quyện với chủ trương, chính
sách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong chính sách đối với thương binh
- liệt sĩ. Ngần ấy thời gian qua, dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, Đảng
và Chính phủ ta luôn luôn coi trọng công việc này. Hiện nay, việc chăm sóc
thương binh và gia đình liệt sĩ đã và đang được xã hội hóa một cách tích cực.
Làm tốt được những việc trên sẽ là những hành động thiết thực và giàu ý nghĩa
kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Phong trào này càng thể hiện truyền
thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Kỷ
niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay cũng là dịp để chúng ta tổ chức
thăm hỏi, tặng quà, thể hiện sự thương tiếc và biết ơn. Cao đẹp thay những hành
động chan chứa tình người, tình đồng đội, tình đồng chí của dân tộc ta. Tự hào
thay những “thương binh tàn nhưng không phế” luôn xứng đáng với lời dạy của Bác
Hồ. Khát vọng phát triển “đất
nước phồn vinh, hạnh phúc”, dân tộc cường thịnh, trường tồn”, nhất
định Đảng, Nhà nước và toàn dân ta sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn công tác “đền ơn đáp
nghĩa”,“tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, gia đình liệt sĩ,
người có công với cách mạng như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng căn dặn.
(Nguồn: Tỉnh Ủy Khánh Hòa)